Vui lòng tải app để đặt gói dịch vụ
DỊCH VỤ
BẢN TIN PHÁP LUẬT
LIÊN HỆ

NHÀ ĐẤT


1. Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán đất đai ?

Kính gửi anh, chị luật sư, Tôi có vấn đề về việc mua bán đất, mong anh chị giải đáp giùm: Tháng 02.2013 tôi đã mua một phần diện tích đất thổ cư đã có sổ đỏ, đã thực hiện công chứng tại Văn phòng công chứng.

Khi bên bán làm thủ tục sang tên cho tôi thì gặp vấn đề là ngõ đi trước mặt diện tích đất tôi mua không được thể hiện trên sổ đỏ của bên bán (thực tế ngõ đi này là có và là ngõ đi chung, được các hộ xung quanh xác nhận), đoạn cuối của ngõ thì có 1 hộ lấn chiếm (đoạn ngõ lấn chiếm có hơn 1 m)

Khi ra quận làm thủ tục tách sổ đỏ thì quận không cho tách vì sổ đỏ của bên bán chưa thể hiện ngõ đi (đất bên bán có 3 mặt ngõ vuông nhưng mới thể hiện 2 mặt ngõ), quận yêu cầu bên bán làm lại sổ đỏ thì mới tách được. Bên bán tiến hành đo đạc và làm lại sổ đỏ thì hộ lấn chiếm ngõ (ở trên) không đồng ý, và có mời các cán bộ trong phường đến làm biên bản xác nhận đất đó do ngày xưa họ bỏ đất chung ra làm ngõ đi – họ vẫn chưa có sổ đỏ) --> phường không ký xác nhận để bên bán cấp lại sổ đỏ.

Hiện tại tôi đã thanh toán 80% giá trị hợp đồng nhưng đến nay đã 3 tháng mà thủ tục vẫn chưa xong được. Tôi muốn hỏi các anh chị về giải pháp để xử lý tình huống này giúp

1. Nếu tôi hủy hợp đồng công chứng để lấy lại tiền có được không? và nếu cần thì thủ tục và các bước làm như thế nào?

2. Nếu tôi không hủy hợp đồng, thì cần làm những gì để được cấp sổ đỏ

3. Nếu tôi không hủy hợp đồng, mà xin cấp giấy phép xây dựng thì có được cấp không? (tôi mới có hợp đồng công chứng, ngoài ra không có giấy tờ gì khác). Nếu tôi không được cấp thì bên bán có xin được giấy phép xây dựng cho tôi không (bên bán đồng ý cho phép tôi xây dựng trên diện tích đã mua) ?

Kính mong anh chị giải đáp giúp các thắc mắc trên của tôi. Tôi xin chân thành cám ơn. Trân trọng,

Người gửi: Son Ngoc

Trả lời

1.Thứ nhất về vấn đề nếu tôi hủy hợp đồng công chứng để lấy lại tiền có được không? và nếu cần thì thủ tục và các bước làm như thế nào?

Căn cứ Điều 423 Bộ luật Dân sự năm 2015:

“Điều 423. Huỷ bỏ hợp đồng

1. Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp sau đây:

a) Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận;

b) Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng;

c) Trường hợp khác do luật quy định.

2. Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.

3. Bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.”

Như vậy, trong trường hợp này thì nếu hợp đồng của bạn có điều kiện vi phạm thủ tục trên là điều kiện hủy hợp đồng thì bạn có thể tiến hành hủy bỏ hợp đồng.

Thủ tục hủy hợp đồng trên: Căn cứ Luật Công chứng 2014

“Điều 51. Công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch

1. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.

2. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.

3. Thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại Chương này.”

2. Thứ hai về vấn đề nếu tôi không hủy hợp đồng, thì cần làm những gì để được cấp sổ đỏ ?

Căn cứ khoản 3 Điều 100 Luật Đất đai của Quốc hội, số 45/2013/Qp3:

“3. Hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật.”

Căn cứ Điều 203 Luật đất đai năm 2013:

“Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.

Như vậy trong trường hợp này của bạn thì do đất của bạn đang mua có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khi hai bên xảy ra tranh chấp thì bạn có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân.Sau khi vụ án được giả quyết và có bản án hoặc quyết định của tào thì có thể dung giấy tờ trên để được cấp giấy chứng nhận trong trường hợp tách thửa của mình.

3. Về vấn đề nếu tôi không hủy hợp đồng, mà xin cấp giấy phép xây dựng thì có được cấp không? (tôi mới có hợp đồng công chứng, ngoài ra không có giấy tờ gì khác). Nếu tôi không được cấp thì bên bán có xin được giấy phép xây dựng cho tôi không (bên bán đồng ý cho phép tôi xây dựng trên diện tích đã mua) ?

Căn cứ khoản 9 Điều 3 Luật Xây dựng của Quốc hội, số 50/2014/Qp3:

“9. Chủ đầu tư xây dựng (sau đây gọi là chủ đầu tư) là cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu vốn, vay vốn hoặc được giao trực tiếp quản lý, sử dụng vốn để thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng.”

Căn cứ khoản 1 Điều 89 Luật xây dựng năm 2014 và Luật Công chứng của Quốc hội, số 53/2014/Qp3:

“Điều 89. Đối tượngvà các loại giấy phép xây dựng

1. Trước khi khởi công xây dựng công trìnhchủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.”

Căn cứ khoản 1 Điều 95 Luật xây dựng năm 2014:

“1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới đối với nhà ở riêng lẻ gồm:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng;

b) Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

c) Bản vẽ thiết kế xây dựng;

d) Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.”

Như vậy trong trường hợp này nếu bạn không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bạn không được cấp giấy phép xây dựng. Giấy phép xây dựng chỉ được cấp cho chủ đầu tư theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật xây dựng năm 2014.

Trân trọng./.

2. Cơ chế pháp lý giải quyết tranh chấp nhà pháp lý cho chung cư ?

Để giải quyết thấu đáo những vụ tranh chấp trong chung cư, cần có một khung pháp lý hoàn chỉnh và một dịch vụ quản lý chuyên nghiệp.

Luật pháp theo sau

Mô hình chung cư kiểu mới được một số chủ đầu tư giới thiệu từ những năm 2000. Chung cư vốn dĩ là một kiểu tổ chức cuộc sống tiềm ẩn nhiều khả năng tranh chấp. Tuy nhiên, mãi đến cuối năm 2005 chúng ta mới có Luật Nhà ở, và cho đến tháng 5-2008 Bộ Xây dựng mới ban hành Quy chế 08 quản lý sử dụng nhà chung cư.

Văn bản pháp quy liên quan mới nhất là Thông tư 01 cũng chỉ mới ra đời hồi cuối tháng 2 vừa qua, hướng dẫn mẫu hợp đồng mua bán căn hộ trong nhà chung cư.

Do vậy, đã diễn ra nhiều vụ tranh chấp thuộc những dự án đã bán nhà trong giai đoạn trước khi Luật Nhà ở có hiệu lực. Khi ấy, nội dung hợp đồng mua bán còn sơ sài bởi bên mua và bên bán đều chỉ quan tâm đến những vấn đề có tính kỹ thuật như giá cả, tiến độ thanh toán, thời hạn giao nhà, mà không cảm thấy cần thiết phải làm rõ những vấn đề thuộc khía cạnh xã hội như ứng xử hay việc quản lý, vận hành một “cuộc sống chung”.

Lẽ ra tất cả những nội dung thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng các tài sản chung, cách tính chi phí vận hành, bảo trì thiết bị tiện ích chung, chi phí trang trải các dịch vụ chung đều phải được soạn thảo thành văn bản và là một phần không thể tách rời khỏi hợp đồng mua bán căn hộ. Trong đó, những phần diện tích nào chủ đầu tư giữ lại làm tài sản riêng hoặc để tổ chức kinh doanh các dịch vụ gia tăng giá trị cuộc sống phải được công bố một cách minh bạch, và vốn đầu tư vào các phần diện tích đó không được phân bổ vào giá bán các căn hộ.

Theo ông Phạm Lãng, Giám đốc quản lý bất động sản Công ty Dịch vụ Bất động sản Bạch Kim Cương (Platinum 1), nay đã có thêm những quy định mới liên quan đến hợp đồng mua bán căn hộ trong chung cư. Theo đó, có thể hình dung những dự án mới khi muốn bán nhà đều phải minh bạch mọi thông tin chi tiết ngay từ đầu với người mua để người mua có đủ cơ sở quyết định mua hay không mua căn hộ.

Ông Lãng cho rằng khung pháp lý mới sẽ giúp giảm khả năng tranh chấp rất nhiều. Vấn đề nan giải hơn lại nằm ở những dự án trước đây chưa phân định được sở hữu chung hay sở hữu riêng của chủ đầu tư.

Tại một diễn đàn góp ý cho vấn đề này, ông Trương Thái Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty An Điền, cho rằng các bên liên đới cần phải thương thảo để thống nhất ngay vấn đề này. Nếu cần thiết, các cơ quan chức năng hoặc kiểm toán phải vào cuộc kiểm tra. Sau đó, những hạng mục nào đã được dùng kết toán giá bán căn hộ phải được coi là sở hữu chung của cư dân.

Còn theo bà Lương Đình Bích Vân, Trưởng bộ phận Quản lý bất động sản Công ty Bất động sản EdenReal, kinh nghiệm cho thấy cần lập một bộ hợp đồng mua bán hoàn chỉnh, chuyên nghiệp – văn bản quan trọng chứng thực quan hệ dân sự trên cơ sở của sự minh bạch (theo các quy định về nhà ở) và thuận mua vừa bán.

Có một điểm cần lưu ý là những phần diện tích nào thuộc sở hữu chung; sở hữu riêng và của ai đã được xác định một cách chi tiết trong quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng do cơ quan quản lý ngành ký duyệt, người mua có thể đề nghị xem để đối chiếu với hợp đồng.

Chủ đầu tư cũng khó

Có nhiều ý kiến phê phán các chủ đầu tư “cố đấm ăn xôi”, thông qua các chiêu “lập lờ đánh lận con đen” để tìm cách tận thu phí sau khi đã bán xong dự án. Điều này đúng tại nhiều dự án nhưng không phải là tất cả. Ở góc độ người trung gian giữa hai phía đối lập, các nhà quản lý dự án cho biết chủ đầu tư có những cái khó của họ.

Theo đánh giá của bà Bích Vân, nhiều chủ đầu tư không muốn kéo dài việc nhùng nhằng thu phí quản lý vì thực ra công việc này cũng hết sức mệt mỏi. Ví dụ như số căn hộ tại một chung cư tuy đã bán gần hết nhưng tỷ lệ vào ở thực sự chỉ chiếm khoảng 50-60%, tức mức phí chỉ thu được một nửa mà công việc quản lý, vận hành vẫn phải cho toàn bộ dự án. Mặc dù theo quy định, các chủ sở hữu không sử dụng nhà vẫn phải thực thi nghĩa vụ về phí nhưng trên thực tế, thu đâu có dễ! Đó là chưa kể trong số những hộ có mặt, số người tự giác đóng phí đúng hạn thường không nhiều. Các biện pháp chế tài vẫn thường được nghĩ đến nhưng không phải ai cũng mạnh dạn áp dụng.

Theo ông Phạm Lãng, việc tổ chức cuộc sống giai đoạn đầu tiên sau khi dự án mới được đưa vào sử dụng là công việc nhiều khó khăn và bộn bề. Luật pháp quy định phải tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu trong vòng 12 tháng nhưng thực tế cho thấy, không mấy chung cư thực hiện kịp thời hạn này. Và khi chưa tổ chức được hội nghị nhà chung cư để bầu ra ban quản trị thì không ai khác, chủ đầu tư vẫn phải lãnh trách nhiệm làm các nhiệm vụ của một ban quản trị nhưng phải chịu cái nhìn không “cùng hội cùng thuyền”!

Có lẽ vì vậy mà những chủ đầu tư khôn ngoan thường chọn ký hợp đồng với một đơn vị quản lý độc lập (chứ không phải công ty con) cung cấp dịch vụ quản lý, vận hành. Rất tiếc, các công ty quản lý độc lập chuyên nghiệp hiện nay khá mỏng, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài cái tên.

“Phần hồn” của dự án

Rõ ràng, những tranh chấp hiện nay đang có ảnh hưởng rất xấu đến loại hình nhà chung cư, nhất là khi người dân đô thị chỉ mới được tiếp cận trong một khoảng thời gian ngắn. Trong khi đó, chiến lược phát triển của các đô thị đang nhắm tới mô hình này như một phương cách giải quyết căn bản chỗ ở cho đa số cư dân với mong muốn chất lượng sống luôn được cải thiện theo chiều hướng ngày càng văn minh hơn.

Bà Bích Vân cho rằng để hạn chế các khả năng tranh chấp về chi phí quản lý vận hành trong chung cư, việc quan trọng nhất của nhà quản lý dự án là cần hết sức minh bạch với cư dân các khoản thu chi: danh mục, đơn giá, số lượng, chất lượng dịch vụ, nguyên tắc phân bổ nghĩa vụ đóng góp, trong đó, bao gồm cả khoản thu chi của những phần sở hữu chung được sử dụng cho khai thác thương mại (nếu có) đã được định kỳ kết chuyển, bù trừ cho chi phí quản lý là bao nhiêu…

Dựa trên chất lượng dịch vụ của nhà quản lý, cư dân hoàn toàn có thể thông qua hội nghị nhà chung cư để bãi nhiệm hoặc chọn lựa nhà cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn (đương nhiên là tương ứng với một mức phí cao hơn). Theo bà Vân, cảm nhận của cư dân trong chung cư về dịch vụ quản lý dự án chỉ có thể là sự trải nghiệm.

“Ví thử một vào một buổi sáng thức dậy, một cư dân bước ra khỏi căn hộ chuẩn bị đi làm đã ngắm nhìn thấy phong cảnh tươi đẹp, mọi thứ sạch sẽ, anh bảo vệ từ xa đã cười chào niềm nở, có thể đoan chắc cư dân đó sẽ rất vui vẻ trả một mức phí quản lý cao. Những điều rất nhỏ ấy góp thành phần hồn của dự án”, bà Vân nói.

Không cần quy định giá trần dịch vụ?

Đang có nhiều bàn cãi về chuyện quy định giá trần phí dịch vụ trong chung cư. Tại TPHCM, Sở Xây dựng TPHCM đã hoàn thành xong dự thảo về khung phí này (không bao gồm phí giữ xe và hoàn toàn tách biệt với ngân sách phí bảo trì – Xem TBKTSG, ngày 19-3-2009) với khung giá cho chung cư hạng 1 không được vượt quá 6.000 đồng/mét vuông/tháng, tương ứng cho chung cư hạng 4 là 3.000 đồng/mét vuông/tháng. Mức đề nghị này thấp hơn nhiều so với nội dung dự thảo lần trước.

Có ý kiến cho rằng việc làm này là không cần thiết. Ông Trương Thái Dũng thậm chí còn cho đây là bước thụt lùi. Theo ông Dũng, cách phân hạng chung cư hiện nay, các chung cư có thể cùng hạng nhưng rất khác nhau về thiết kế, số lượng dân cư, số lượng trang thiết bị nội ngoại thất, số lượng các thiết bị cần phải bảo quản, vận hành… Do đó, khối lượng dịch vụ cũng sẽ rất chênh lệch, và chi phí về vật tư, con người cũng sẽ rất khác nhau. Đó là chưa kể chất lượng của từng đơn vị cung cấp dịch vụ cũng khác nhau và người sử dụng hoàn toàn có quyền chọn lựa cho mình loại chất lượng mà họ mong muốn.

Do vậy, nếu hội nghị nhà chung cư đồng thuận chọn một dịch vụ có giá cao hơn giá trần quy định cũng sẽ không được phép do sai quy định. Ông Dũng cho rằng Nhà nước không cần thiết quy định giá trần dịch vụ quản lý mà nên dành quyền này cho hội nghị chung cư quyết định bởi đây cũng chính là trách nhiệm và quyền lợi của họ. Thay vào đó, Nhà nước nên quy định giá sàn để tránh sự lập lại các khu chung cư nhếch nhác trong quá khứ.

3. Tư vấn thủ tục và quy trình giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán đất ?

Thưa luật sư, Gia đình tôi vừa bán mảnh đất cho ông Tâm, theo hợp đồng đặt cọc viết tay thì mảnh đất 250m2 ( ngang 5m, dài 50m), giá 4.700.000/m2, thành tiền là 1.175.000.000 đồng. Đặt cọc đợt 1 là: 175.000.000 đồng. Đợt 2 ( sau khi đã sang tên) là 600.000.000 đồng. Đợt 3 khi ra sổ thì thanh toán nốt 400.000.000 đồng còn lại.

Gia đình tôi đi làm sổ đỏ cho ông Tâm và đang giữ sổ đỏ của ông Tâm, đợi ông Tâm giao đủ 400.000.000 thì mới giao sổ đỏ. Tuy nhiên do sai sót của địa chính mà khi đo đạc chỉ có diện tích 207m2 (ngang 5m, dài 41,5m) nên khi tách sổ chỉ có 207m2. Chúng tôi đã thông báo cho ông Tâm về sai sót này khi đi làm hợp đồng công chứng và ông Tâm đã đồng ý chấp nhận. Trong hợp đồng công chứng chuyển nhượng sang tên có ghi rõ diện tích là 207m2, nhưng giá bán chỉ ghi là 200.000.000, để nộp thuế ít lại. Khi có sổ đỏ, chúng tôi yêu cầu ông Tâm chồng đủ tiền thì ông Tâm không đưa tiền. Ông Tâm nói chỉ đưa số tiền tương ứng với diện tích đất trên sổ đỏ. Có nghĩa là chỉ đưa thêm 197.000.000 đồng. Chúng tôi không đồng ý nên đã yêu cầu địa chính xuống đo lại và diện tích đo lại là 240m2 (ngang 5m, dài 48m). Ông Tâm đã xây dựng nhà trên diện tích 240m2.

Chúng tôi gửi đơn lên Phòng Tài Nguyên Môi trường để yêu cầu giải quyết việc này thì Phòng Tài Nguyên và Môi trường đồng ý cấp đổi lại sổ mới với điều kiện người đứng tên trên sổ phải kí vào đơn xin cấp lại đất. Ông Tâm đã không kí vào đơn và dọa sẽ kiện chúng tôi. Chỉ thiếu 43m2 đất nông nghiệp mà ông Tâm trừ chúng tôi hơn 200 triệu đồng. Trong khi nếu ông Tâm chịu hợp tác, chúng tôi hoàn toàn cắt đủ đất cho ông Tâm vì phía sau nhà tôi vẫn còn dư rất nhiều đất. Nếu ông Tâm chịu kí vào đơn cấp đổi lại sổ đỏ, và kí vào hợp đồng chuyển nhượng thêm 10m2 đất thiếu thì sổ đỏ mới sẽ là 250m2. và ông Tâm phải giao 400.000.000 đồng cho chúng tôi. Tuy nhiên ông Tâm đã không hợp tác và đòi trừ tiền gia đình tôi.

Chúng tôi phải giải quyết việc này như thế nào?

Cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật đất đai trực tuyến, gọi:1900.6162

Trả lời:

Thứ nhất, Về phần đất dư so với sổ đỏ:

Theo khoản 5 Điều 98 Luật đất đai năm 2013 trong trường hợp số liệu đo đạc thực tế theo đúng quy phạm kỹ thuật về đo đạc địa chính mà diện tích thửa đất lớn hơn diện tích đã ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì giải quyết như sau:

“5. Trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này hoặc Giấy chứng nhận đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế. Người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn nếu có.

Trường hợp đo đạc lại mà ranh giới thửa đất có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất và diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có) được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 99 của Luật này.”

Thứ hai, về việc Chuyển nhượng phần đất dư:

Theo như bạn trình bày, bạn và bên mua đất khi lập giấy chuyển nhượng đều biết được phần đất đã có sổ đỏ và thông tin về phần đất thực tế dư sơ với sổ đỏ. Trong trường hợp này thì theo pháp luật về dân sự có thể hiểu rằng bạn và bên mua đã thống nhất về diện tích đã ghi trên sổ đỏ. Như thế phần diện tích dôi dư bạn có thể giải quyết theo hai hướng:

– Thỏa thuận lại về giá chuyển nhượng

– Phải ghi rõ trong hợp đồng diện tích đất chuyển nhượng là 207m2 theo các thông tin mà hai bên đã biết ban đầu.

Trường hợp hai bên thỏa thuận diện tích chuyển nhượng là 207m2 thì sau khi hợp đồng được công chứng hoặc chứng thực, bạn và bên nhận chuyển nhượng đến phòng tài nguyên và môi trường huyện để làm thủ tục tách thửa và chuyển quyền sử dụng 207m2 đất. Phần đất dôi dư vẫn thuộc quyền sử dụng của bạn.

Tuy nhiên còn phải tùy theo tình hình thực tế, như bạn trình bày, bên nhận chuyển nhượng đã thực hiện xây dựng nhà ở trên diện tích 240m2 đó nên bạn cần cân nhắc việc chỉ đòi giá trị của số đất dư đó. Nếu các bên không thể tự thương lượng được thì bạn có thể gửi đơn đến tổ hòa giải ơ cơ sở để hòa giải, nếu hòa giải không thành thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất để hòa giải. Nếu cấp xã hòa giải không thành, bạn có quyền khởi kiện tranh chấp hợp đồng chuyển Quyền sử dụng đất tại Tòa án cấp huyện để đòi lại phần đất dư ra không nằm trong hợp đồng chuyển nhượng hoặc đòi giá trị phần đất tại thời điểm hiện tại là có căn cứ và đúng quy định (Điều 699, 700, 701, 702 Bộ luật Dân sự năm 2005; Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung năm 2011)

Copyright 2023 © design by E-LawPV

Gọi cho Pháp Việt

Chat Zalo

Gửi Mail

Tải app ngay